Tháng Năm này, toàn Đảng toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 68 năm chiến thắng lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến công” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và chúng ta càng không thể quên được đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một nhà cầm quân tài ba, ông còn là nhà văn hóa lớn. Về lĩnh vực khoa học kỹ thuật, ông là người sớm đã nhận ra xu thế thời đại của kinh tế xanh, trong đó có vấn đề phát triển kinh tế gắn với môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước. Câu chuyện về hai lần nhận thư động viên khích lệ và vinh dự được gặp Đại tướng, nghe Đại tướng chỉ bảo, dặn dò về chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường để từ đó tạo động lực thôi thúc cựu chiến binh, doanh nhân Phạm Hồng Điệp cùng các cộng sự quyết tâm xây dựng khu công nghiệp sinh thái do người Việt Nam làm chủ đầu tư là một câu chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm.
Trong lần đến thăm Khu công nghiệp Nam cầu Kiền mới đây, tôi cùng đi với nhà văn, nhà báo Hoàng Dự – Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật, nhà báo lão thành Đỗ Quảng, nguyên phóng viên đặc biệt báo Nhân dân, họa sỹ, nghệ sỹ, tiến sỹ mỹ học Thế Hùng. Khi dẫn chúng tôi đi thăm Vườn lưu niệm Đại tướng, vào ngôi đền nhỏ thắp hương tưởng nhớ vị tướng huyền thoại, doanh nhân Phạm Hồng Điệp xúc động kể lại: “Năm 2006-2007, tôi tham gia cuộc thi sáng tạo về môi trường bền vững do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức. Hai lần dự thi với những sáng kiến thực tế đầy tâm huyết, tôi đều đoạt giải Nhất toàn quốc. Tháng 1/2008, tôi bất ngờ nhận được lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đề ngày 15/1/2008) gửi đích danh Phạm Hồng Điệp với những lời khen ngợi, động viên phát huy triệt để những đề tài thực tiễn đó, góp phần vừa xây dựng kinh tế vừa bảo vệ môi trường”.
Đại biểu tham quan chụp ảnh lưu niệm tại vườn kỷ vật. Ảnh Lê Anh Tuấn
Phạm Hồng Điệp nói tiếp: “Tôi vui mừng khôn xiết và liên hệ với Ban tổ chức cuộc thi, xin được gặp Đại tướng để cảm ơn và nghe những lời căn dặn quý báu của Đại tướng. Và tôi đã được gặp, được nghe Đại tướng nói về tư tưởng khôi phục, xây dựng nền kinh tế Việt Nam gắn liền với bảo vệ môi trường bền vững – tư tưởng này ra đời ngay từ năm 1976, một năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông đúng là vị tướng có tầm nhìn xa trông rộng… Đến đầu năm 2010, nhân Tết trồng cây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần thứ hai gửi thư cho tôi và tặng một cây đa được đánh từ vườn nhà Đại tướng (30 Hoàng Diệu, Hà Nội) để trồng tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cùng lời căn dặn: “Luôn nhớ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”.
Đó là cơ duyên và đó là tình cảm hết sức quý báu mà Đại tướng dành cho doanh nhân Phạm Hồng Điệp và Công ty cổ phần Shinec.
Với tinh thần “xây dựng nền kinh tế Việt Nam đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững,” doanh nhân Phạm Hồng Điệp cùng các cộng sự quyết tâm xây dựng Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền do người Việt Nam làm chủ đầu tư. Vườn kỷ vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở vị trí trang trọng trong khu công nghiệp sinh thái này.Vườn kỷ vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nơi lưu giữ những bức thư của Đại tướng cùng những cuốn sách, những kỷ vật gắn với nhân vật lịch sử “anh Văn” do doanh nhân Phạm Hồng Điệp sưu tầm với giá trị và ý nghĩa trường tồn.
Phiến đã tạc thư của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp gủi doanh nhân Phạm Hồng Điệp. Ảnh Lê Anh Tuấn
Khá thú vị là trong khuôn viên Vườn Kỷ vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phạm Hồng Điệp đã xây dựng một Trung tâm thực nghiệm Eco Nam Cầu Kiền. Lý do ra đời Trung tâm này được doanh nhân Phạm Hồng Điệp chia sẻ: “Đại tướng nhiều lần nói tới vấn đề con người, “Chiến lược con người” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quý trọng con người, động viên và phát huy vai trò của con người, trọng dụng con người, nhất là những người tài và đức…
Đại tướng giao cho chúng ta nhiệm vụ “định hướng giá trị,” “thực học, thực nghiệp” cho các em học sinh và thế hệ trẻ nói chung, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, có trách nhiệm với chính mình và có tinh thần cộng đồng, xã hội. Đó là tư tưởng, là kim chỉ nam cho hoạt động của Trung tâm thực nghiệm Eco Nam Cầu Kiền.
Trong Vườn Kỷ vật không thể không nói đến một công trình độc đáo nữa. Năm 2021, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nam Cầu Kiền khánh thành khu Sa hình chiến thắng Điện Biên Phủ đặc biệt bằng cây xanh tại khu vực công viên cảnh quan cây xanh trong KCN. Công trình này nhằm tưởng nhớ công ơn Đại tướng và tái hiện lại bản đồ chiến dịch Điện Biên Phủ ngay tại Khu công nghiệp, kiến tạo những giá trị lịch sử vượt thời gian.
“Đây chính là tâm sức mà tôi cùng cán bộ công nhân viên Shinec, cũng như tập thể cán bộ công nhân Công ty MIT, kiến trúc sư Nguyễn Văn Huấn, với hai tổng công trình sư là kĩ sư hàng hải Nguyễn Cường và Tổng Giám đốc Công ty MIT – ông Cung Vĩnh Thành đã dồn hết công sức, trí tuệ để hoàn thành công trình này dâng lên Đại tướng kính yêu” – ông Điệp tự hào.
Một góc tại khu Sa hình
Phạm Hồng Điệp cho biết, để tái hiện lại bản đồ các căn cứ trong chiến dịch Điên Biên Phủ 56 ngày đêm, đội ngũ kỹ sư, công nhân Nam Cầu Kiền đã dày công nghiên cứu, tỉ mỉ thực hiện dưới sự cố vấn trực tiếp của Đại tá, PGS, TS Sử học Nguyễn Mạnh Hà. Từng vị trí, các căn cứ địa của chiến dịch được sử dụng bằng các vật liệu tự nhiên với đá, nước, cây xanh một cách chi tiết và đúng tỷ lệ bản đồ.
Các vị trí trong sa hình được tạo dựng bằng vật liệu đá, qua bàn tay nghệ thuật đầy tâm huyết của các nghệ nhân đá Ninh Bình, miệt mài bất kể ngày đêm, kiến tạo nên những: sân bay Mường Thanh, đồi A1, cầu Mường Thanh, các cứ điểm E1 – C1, sở chỉ huy tướng Đờ Ca-xtơ-ri, sở chỉ huy chiến dịch, các điểm đóng quân của các đại đoàn, các trận đia pháo, cứ điểm hậu cần…
Để thổi hồn vào Khu sa hình chiến dịch, đội ngũ kỹ sư đã sử dụng 37 gốc đa ghép thành hình tượng “cây đa 37 gốc”, lấy cảm hứng từ cây đa mà Đại tướng đã trao tặng cho doanh nhân Phạm Hồng Điệp vào dịp xuân năm 2010. 37 gốc đa tượng trưng cho năm 37 tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm Đại tướng, trở thành vị Đại tướng trẻ tuổi nhất lịch sử Việt Nam, kể từ đó viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Tiếng lành đồn xa, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền ngày càng có nhiều các trường học, các đoàn khách cựu chiến binh, doanh nhân đã đến thăm quan. Và Vườn lưu niệm Đại tướng, đền thờ Đại tướng, khu sa hình chiến dịch Điện Biên Phủ, vườn Nhật Bản, nhà máy xử lý nước thải công nghệ tiên tiến cùng với không gian, cảnh quan được thiết kế và chăm sóc công phu tạo ra khu công nghiệp sinh thái mang bản sắc Việt đã thực sự cuốn hút người xem.
Với tôi, việc học tập tư tưởng của Đại tướng và hiện thực hóa nó bằng những hành động cụ thể, sinh động như Phạm Hồng Điệp là điều chúng ta rất đáng suy nghĩ.
Nguồn: https://arttimes.vn/dau-an-dai-tuong-vo-nguyen-giap-tai-vuon-ky-vat-nam-cau-kien-a7511.html