(Dân trí) – Doanh nghiệp có thể coi như ESG như là DNA và phải được “nhúng” vào tất cả quy trình. Diễn đàn ESG Việt Nam của Báo Dân trí sẽ truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, theo giới chuyên gia.
1. ESG phải được “nhúng” vào tất cả quy trình của doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Việt Anh – Cố vấn bền vững và ESG-S, Tiến sĩ Quản trị bền vững – cho rằng, doanh nghiệp cần coi ESG (Environmental (Môi trường) – Social (Xã hội) – Governance (Quản trị)) là một quy trình chứ không phải là một sản phẩm.
ESG phải được “nhúng” vào tất cả quy trình của doanh nghiệp, hay nói cách khác, có thể coi như ESG như là DNA, muốn doanh nghiệp phát triển bền vững phải thay đổi toàn diện, từ mô hình quản lý, mô hình kinh doanh đến công nghệ…
Nhiều doanh nghiệp có báo cáo bền vững, song báo cáo cần được bên thứ 3 xác minh và truy tìm được nguồn gốc thông tin. Hai là, những chương trình hoạt động đầu tư vào xã hội bền vững đã có nghiên cứu về tác động chưa. Bởi có những việc doanh nghiệp làm tưởng là tốt nhưng vẫn có tác động tiêu cực với môi trường, xã hội, văn hóa về lâu dài là lớn hơn so với lợi ích kinh tế trước mắt…
Ba là, đã có đánh giá tác động vòng đời sản phẩm chưa? Vòng đời sản phẩm tác động môi trường như thế nào, tốt ra sao, xấu thế nào để sau này cải thiện bằng cách giảm được tác động xấu và phát huy tác động tốt.
ESG là một xu hướng không thể đảo ngược, tuy nhiên, doanh nghiệp khi tham gia ESG cần phải khôn ngoan, không nên để rơi vào “bẫy”: bẫy năng lực, bẫy chi phí. Nếu làm ít, nói nhiều, tuyên bố vượt quá năng lực thì doanh nghiệp trở thành gian dối.
Còn nếu đầu tư quá tay hoặc đầu tư quá sớm thì có thể thất bại, ví dụ như trường hợp năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đang khó khăn vì đầu ra, về công nợ.
Ông Việt Anh nhắc lại vụ việc hãng Volkwagens bị vướng vào bê bối kiện tụng do khai gian lượng khí thải. Theo ông, ở Việt Nam, có thể chưa có những chế tài liên quan đến phát triển bền vững nhưng đã có các quy định xử lý vi phạm quảng cáo sai sự thật, chống cạnh tranh gian dối.
Do đó, nếu doanh nghiệp tuyên bố về ESG một cách không thận trọng, đưa ra những thông tin sai sự thật, làm 1 nói 10 thì vẫn có thể đối mặt với rủi ro bị kiện.
2. Doanh nghiệp khi tham gia ESG cần “liệu cơm gắp mắm”
Mục tiêu của bất cứ doanh nghiệp nào trước hết cũng là lợi nhuận, tuy nhiên, công nghệ càng xanh, càng sạch thì càng đắt đỏ, đổi mới công nghệ đòi hỏi phải có tài chính xanh, có sự hỗ trợ về nguồn vốn. Rõ ràng là không hề đơn giản cho câu chuyện theo đuổi ESG.
Vậy nên, ông Phạm Việt Anh khuyến nghị, các doanh nghiệp khi tham gia ESG cần “liệu cơm gắp mắm”, sức đến đâu làm đến đó, sức đến đâu nói đến đó chứ không nên nói quá về năng lực để rồi tự làm khó mình.
Khi nói quá về thành tích, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với khủng hoảng, một là khủng hoảng về truyền thông, hai là khủng hoảng về thực thi (nói quá dẫn đến việc trót “ném lao phải theo lao”), ba là sự đồng thuận. Giữa cổ đông và những đối tượng có quyền lợi liên quan thường có tính đối kháng và cần làm sao để cổ đông đồng thuận với việc dùng lợi nhuận để tái đầu tư cho cộng đồng.
Vị chuyên gia nhìn nhận, để đạt được tăng trưởng bền vững là bài toán nan giải, khó khăn, nhưng cần tin rằng, luôn luôn có sự tiếp nối giữa các thế hệ để hướng đến phát triển bền vững.
“Đó là câu chuyện của cả hàng ngàn năm, là xu hướng không thể chống lại, là một mục tiêu đã đạt được sự đồng thuận của cả thế giới, của mọi Chính phủ”, chuyên gia chia sẻ.
Trước mắt ở Việt Nam, với những điều kiện hiện tại, doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận những sự đánh đổi ở một mức độ nhất định, nhưng tác động tiêu cực phải giảm dần theo thời gian, tùy vào đặc thù của từng ngành nghề mà có những đo lường nhất định.
Cho dù thực thi ESG đầy đủ là rất khó, không thể “dục tốc bất đạt” mà cần phải trải qua quá trình tiệm tiến từng bước, không có điểm dừng, nhưng không cho phép dừng lại, phải luôn tiến về phía trước.
3. Diễn đàn ESG Việt Nam của Báo Dân trí sẽ truyền cảm hứng cho doanh nghiệp
Cùng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cũng cho rằng hiện nay ESG không còn là phong trào mà là xu thế bắt buộc và là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp.
Chính phủ cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phổ biến, định hướng, đào tạo và phát triển hệ thống pháp lý. Việt Nam phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.
Việt Nam cũng cam kết đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển bền vững cũng là câu chuyện cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí xanh thì sẽ mất đi những cơ hội “vàng” trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
Các quy định này cũng đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp Việt phải có lộ trình chuyển đổi, đầu tư công nghệ và cải tiến kỹ thuật để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thế giới. Chính vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn ESG Việt Nam của báo Dân trí sẽ truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp chuyển đổi để nâng cao vị thế của mình trên thị trường.
Thông qua Diễn đàn ESG Việt Nam, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng hơn khi bước vào cuộc đua ESG. Doanh nghiệp có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cân nhắc đẩy mạnh thêm các nguồn ngân sách riêng cho việc nghiên cứu, phát triển và tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cũng cho rằng chuyển đổi xanh là tiêu chí tất yếu của sự phát triển.
Việt Nam đã có những cam kết rất mạnh mẽ và Chính phủ đang hoàn thiện khung pháp lý để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các quốc gia cũng ngày càng quan tâm đến chứng chỉ xanh và đây sẽ là thách thức cho doanh nghiệp trong việc chuyển đổi, đầu tư cơ sở vật chất để giảm phát thải ròng.
Ông lý giải rằng khi đã nằm trong một chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp phải cam kết đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu của thị trường. “Khi đã cùng tham gia chuỗi cung ứng, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng sẽ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn chung”, ông Doanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, phát triển bền vững vẫn còn nhiều vấn đề và thách thức. Chi phí cho việc chuyển đổi rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, khi thực hiện chuyển đổi, doanh nghiệp cần cân bằng được chi phí, cân nhắc giữa lợi ích, cơ hội và những rủi ro phát sinh.
Chuyên gia đánh giá rằng Diễn đàn ESG Việt Nam của báo Dân trí là cơ hội để các doanh nghiệp có thể học hỏi, kết nối và cùng chung tay xây dựng môi trường kinh doanh bền vững. Nhờ vậy, chuyển đổi xanh có thể được thực hiện nhanh và quyết liệt hơn. ESG sẽ là “chìa khóa” phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.