Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới, sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Cam kết của Việt Nam phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Đây cũng là một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn. Trong xu thế đó, chính sách phát triển các Khu công nghiệp sinh thái, chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Nhằm góp phần thúc đẩy truyền thông mạnh mẽ từ thông điệp tới hành động thực tiễn, Tạp chí Mekong Asean, cơ quan của Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Asean, tổ chức hội thảo “Phát triển các khu công nghiệp sinh thái – Hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0”.
Hội thảo “Phát triển các khu công nghiệp sinh thái – Hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0” sẽ đề cập và thảo luận ba nhóm nội dung chính:
Thứ nhất, nhận diện, đánh giá vai trò của việc phát triển khu công nghiệp sinh thái trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững; những chính sách khuyến khích cho nhà đầu tư mới cũng như chuyển đổi “xanh hóa” các khu công nghiệp truyền thống.
Thông qua hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư có cơ hội khảo sát thực tiễn, đánh giá về triển vọng, mối quan tâm cũng như lợi ích của các bên trong quá trình hợp tác, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp sinh thái.
Thứ hai, nhắc tới khu công nghiệp sinh thái luôn gắn liền với khái niệm “kinh tế tuần hoàn”. Trên thế giới, các tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn đang nỗ lực đưa ra các giải pháp để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm và biến rác thải thành tài nguyên, hình thành chuỗi sản xuất theo mô hình tăng trưởng xanh.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đề án thúc đẩy mạnh ứng dụng mô hình, tăng cường nhận thức, thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm xanh hóa các ngành kinh tế.
Thứ ba, một khía cạnh không thể không nhắc tới trong chiến lược phát triển bền vững, giảm phát thải ròng bằng 0 chính là việc sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất. Trong tình hình an ninh năng lượng quốc gia và thế giới luôn trong tình trạng “cảnh báo” thời gian qua, việc phát triển năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu tại các khu công nghiệp cũng là một nội dung hội thảo sẽ đề cập.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước từ Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường); Chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học: GS.TS. Đặng Kim Chi – Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, GS. Phạm Văn Thức – Viện sĩ Hàn lâm Y học quốc gia Pháp; Các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại nước ngoài; Đại diện các doanh nghiệp: ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Kinh doanh – Năng lượng xanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 và các nhà đầu tư tại Hải Phòng.
Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các nội dung, sự kiện với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng xanh” hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 do Tạp chí Mekong – ASEAN tổ chức.
Thông tin thêm, xin liên hệ Mrs. Vũ Ánh Phượng, Tel: 096.760.2980