Ông Võ Đình Hưng, Chuyên viên Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Điều phối viên Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” phát biểu tại Hội thảo “Tham vấn kết quả nghiên cứu và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái”
Ông Võ Đình Hưng, Chuyên viên Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Điều phối viên Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” (Dự án) cho biết, thời gian vừa qua, Ban Quản lý Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai xây dựng và khảo sát đánh giá về khả năng áp dụng bộ chỉ số về KCN sinh thái tại các địa phương trong khuôn khổ Dự án. Để cung cấp thông tin và tham vấn ý kiến của các bên liên quan, Ban Quản lý Dự án phối hợp với phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái.
Chương trình “Hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái” gồm 02 phần chính: Phần 1- Ban Quản lý Dự án và các chuyên gia trình bày mục tiêu, phương pháp xây dựng và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái cho Việt Nam trên cơ sở các kết quả phân tích số liệu điều tra theo phương pháp đã được UNIDO áp dụng cho 50 KCN trong Chương trình KCN sinh thái toàn cầu; Phần 2 -Tham vấn các ý kiến từ đại diện các bên (Ban Quản lý các KCN, các công ty phát triển hạ tầng KCN, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế như UNIDO, WB) về các kết quả nghiên cứu bộ chỉ số KCN sinh thái.
Cần có sự thống nhất, quyết tâm vào cuộc để phát triển KCN sinh thái hiệu quả và bền vững
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ kế hoạch và Đầu tư), Giám đốc Dự án Quốc gia KCN sinh thái phát biểu tại Hội thảo “Tham vấn kết quả nghiên cứu và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái”
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ kế hoạch và Đầu tư), Giám đốc Dự án Quốc gia Lê Thành Quân cho biết: Với trên 400 KCN và 19 KKT ven biển, hệ thống các KCN, KKT đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong những năm qua, phát triển các KCN theo hướng bền vững đã được nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực thực hiện (như Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Nhật Bản…), và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó. Việc đẩy mạnh phát triển các KCN sinh thái cũng góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trong sản xuất công nghiệp, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 tại Hội nghị COP 26.
Vụ trưởng Lê Thành Quân nhấn mạnh, Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 trước đây, và mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP, quy định nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển KCN sinh thái.
Để hỗ trợ, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP, bộ chỉ số KCN sinh thái với mục đích đánh giá hiệu quả hoạt động và đo lường tiến độ chuyển đổi của các KCN theo hướng KCN sinh thái; qua đó xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu thử nghiệm về KCN sinh thái tại Việt Nam. Bộ chỉ số được xây dựng trên Khung quốc tế về KCN sinh thái và quy định của pháp luật Việt Nam về KCN sinh thái với các nhóm chỉ tiêu về môi trường, kinh tế và xã hội cho KCN sinh thái.
Vụ trưởng Lê Thành Quân khẳng định, bên cạnh các cơ chế, chính sách từ nhà nước; sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính từ các tổ chức quốc tế (như SECO, UNIDO, World Bank); việc triển khai KCN sinh thái rất cần sự thống nhất và quyết tâm cao từ các cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT tại các địa phương, công ty phát triển hạ tầng KCN và các doanh nghiệp trong KCN, KKT để phát triển KCN sinh thái hiệu quả và bền vững.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng cám ơn sự phối hợp từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp KCN sinh thái. Chúng tôi mong muốn có nhiều KCN hoàn thành việc chuyển đổi để được chứng nhận là KCN sinh thái trong thời gian tới”-Vụ trưởng Lê Thành Quân bày tỏ kỳ vọng. Đồng thời mong muốn nhận được nhiều góp ý từ các cơ quan quản lý nhà nước về KCN ở các địa phương, các doanh nghiệp và các chuyên gia để hoàn thiện bộ chỉ số này.
Xây dựng bộ chỉ số KCN sinh thái-Tiền đề quan trọng để triển khai hiệu quả KCN sinh thái
Bà Vương Thị Minh Hiếu-Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế Hoạch &Đầu tư), Phó Giám đốc Dự án Quốc gia KCN sinh thái phát biểu tại Hội thảo “Tham vấn kết quả nghiên cứu và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái”
Bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó Giám đốc Dự án cho rằng, bộ chỉ số KCN sinh thái được tích hợp từ Khung quốc tế và các quy định về quản lý KCN, KKT của Việt Nam gồm trên 70 chỉ số; do đó cần được sàng lọc, lựa chọn để tìm ra các chỉ số phù hợp, khả thi với điều kiện của Việt Nam.
Bộ chỉ số được hoàn thiện sẽ hỗ trợ các KCN, doanh nghiệp KCN tự định vị mình theo các tiêu chí, từ đó xây dựng được lộ trình để đạt được các yêu cầu của KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái. Bộ chỉ số còn hỗ trợ các KCN, doanh nghiệp đã được chứng nhận là KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái tự kiểm soát và cải thiện liên tục quá trình thực hiện; đồng thời hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện và chứng nhận lại KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái theo quy định của Nghị định 35/2022/NĐ-CP.
Phó Vụ trưởng Vương Thị Minh Hiếu nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp từ các đại biểu và các chuyên gia là cơ sở để Ban Quản lý Dự án hoàn thiện bộ chỉ số KCN sinh thái, từ đó tham mưu cho Vụ Quản lý các khu kinh tế xây dựng Thông tư hướng dẫn về KCN sinh thái, hoàn thiện các hướng dẫn để chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái, góp phần đẩy mạnh và nhân rộng mô hình này trên cả nước.
Dưới góc nhìn của chuyên gia quốc tế của UNIDO tại Hà Nội, ông Florian Beranek phát biểu khẳng định, bộ chỉ số KCN sinh thái là một công cụ tuyệt vời để giúp các doanh nghiệp triển khai các hoạt động cộng sinh công nghiệp, cộng sinh càng rộng bao nhiều thì càng cung cấp sự hỗ trợ hiệu quả bấy nhiêu. Hội thảo hôm nay là cơ hội để chia sẻ rộng rãi hiệu quả to lớn về môi trường, kinh tế và xã hội của KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong khu vực.
Ông Florian Beranek, chuyên gia quốc tế của UNIDO tại Hà Nội (ngồi giữa, cầm micro) phát biểu tại Hội thảo “Tham vấn kết quả nghiên cứu và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái”
“Bức tranh toàn cảnh” dự án KCN sinh thái
Bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO trình bày tổng quan về kết quả triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam và mục tiêu, phương pháp xây dựng, lựa chọn chỉ tiêu và khả năng áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái tại Việt Nam.
Phần 1 với tiêu đề “Bộ chỉ số KCN sinh thái: Mục tiêu, phương pháp xây dựng và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái cho Việt Nam”, ông Alessandro Flammini, Điều phối viên dự án UNIDO tại trụ sở chính (Cộng hòa Áo) và bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO, đại diện Ban Quản lý Dự án đã giới thiệu tổng quan các nội dung về (1) giới thiệu khung quốc tế về KCN sinh thái, (2) tiêu chí KCN sinh thái theo quy định của Việt Nam, (3) Phương pháp xây dựng, lựa chọn chỉ tiêu và khả năng áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái.
Theo đó, Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” được cụ thể hóa trong Chương trình KCN sinh thái toàn cầu thực hiện trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện từ nguồn tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO); thời gian thực hiện Dự án là 03 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2023; Dự án được triển khai thí điểm tại các địa phương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các giải pháp Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) và cơ hội cộng sinh công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp và KCN đã được xác định từ pha trước của Dự án.
Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” là sự kế thừa của Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”do Quỹ Môi trường Toàn cầu và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện thành công tại Việt Nam trong giai đoạn năm 2014-2019 (kết thúc vào tháng 6/2019); Dự án được triển khai thí điểm tại các địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ. Hiện nay Dự án tiếp tục thí điểm chuyển đổi 03 KCN tại Hải Phòng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Trần văn Tỵ, Phó Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo “Tham vấn kết quả nghiên cứu và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái”
Tiêu chí, phương pháp xây dựng và đề xuất các chỉ số KCN sinh thái
Bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO cho biết: Để xây dựng các chỉ số về KCN sinh thái, trước tiên Dự án đã căn cứ vào các tiêu chí xác định KCN sinh thái từ các nguồn: (i) Khung quốc tế về KCN sinh thái phiên bản 2 do UNIDO ban hành năm 2021 (ii) Yêu cầu về KCN sinh thái theo quy định của Việt Nam tại Nghị định 82/2018/ NĐ- CP ngày 22/5/2018, nay là Nghị định 35/2022/NĐ- CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý KCN và KKT. (iii) Một số nghiên cứu về các tiêu chí kinh tế, xã hội, môi trường của KCN sinh thái do các tổ chức quốc tế như WB, UNIDO phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện năm 2019.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, chuyên gia Môi trường trình bày kết quả khảo sát và đề xuất các chỉ số về môi trường và quản lý KCN
Để đề xuất Bộ chỉ số về KCN sinh thái, các số liệu thu thập được phân tích phải đảm bảo tính phù hợp (qui định Việt Nam và quốc tế), khả năng thực hiện (của doanh nghiệp KCN) và có căn cứ khoa học trên cơ sở phân tích kết hợp hai yếu tố trên. Theo đó, Bộ chỉ số sẽ tâp trung trong 04 nhóm: Môi trường, quản lý KCN, xã hội và kinh tế.
Bà Phạm Quỳnh Hương, chuyên gia xã hội học trình bày kết quả khảo sát và đề xuất các chỉ số xã hội
Căn cứ trên phương pháp này, nhóm chuyên gia (bà Nguyễn Thị Kim Liên, ông Lê Đức Hoàng và bà Phạm Quỳnh Hương) đã khảo sát và phân tích số liệu điều tra và đề xuất bộ chỉ số KCN sinh thái bao gồm 11 chỉ số về môi trường (quản lý giám sát chất lượng môi trường, KCN có hệ thống trao đổi nhiệt…), 11 chỉ số quản lý KCN (quản lý KCN có hồ sơ cập nhật của doanh nghiệp trong KCN về nhu cầu và sự lãng phí đối với nguyên liệu, nước, vật liệu…); 10 chỉ số kinh tế (đầu tư sáng kiến KCN sinh thái, giá trị gia tăng công nghiệp, Ban Quản lý/công ty hạ tầng tạo cơ hội kinh doanh trong KCN…); 12 chỉ số xã hội (cơ sở hạ tầng, phát triển cộng đồng…).
Ông Lê Đức Hoàng chuyên gia kinh tế trình bày kết quả khảo sát và đề xuất các chỉ tiêu kinh tế
Xây dựng Bộ chỉ số KCN sinh thái góp phần hỗ trợ đánh giá hiệu quả hoạt động KCN: Việc cần phải làm ngay
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, Trưởng phòng Quản lý Môi trường KCN DEEP C phát biểu tại Hội thảo “Tham vấn kết quả nghiên cứu và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái”
Phần 2 thảo luận xác định nhóm chỉ số KCN sinh thái lựa chọn, Các đại biểu đến từ các Ban Quản lý KCN, KKT; các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, KKT thảo luận sôi nổi về tính khả thi của việc áp dụng nhóm chỉ số quản lý KCN, nhóm chỉ số môi trường và nhóm chỉ số kinh tế và xã hội.
Các đại biểu đã đánh giá cao việc xây dựng bộ chỉ số KCN sinh thái, đồng thời cho rằng, đánh giá bộ chỉ số theo xếp hạng là cơ sở để doanh nghiệp đánh giá được bản thân doanh nghiệp mình đang ở mức nào và các chính sách với doanh nghiệp đó như thế nào…
Ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước phát biểu tại Hội thảo “Tham vấn kết quả nghiên cứu và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái”
Các doanh nghiệp KCN chia sẻ, thực tế hiện nay Chính phủ chưa có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi cho các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái nên nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến mô hình này. Vì vậy các đại biểu đề nghị thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, gồm cả ưu đãi về thuế, tài chính cho KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.
Bà Lê Thị Thu Huyền, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh phát biểu tại Hội thảo “Tham vấn kết quả nghiên cứu và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái”
Kết luận bế mạc Hội thảo, Vụ trưởng Lê Thành Quân ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp tích cực, hiệu quả của các đại biểu tham dự Hội thảo. Đồng thời đề nghị các chuyên gia tiếp tục chỉnh sửa và xây dựng bộ chỉ số KCN sinh thái theo hướng có thể đánh giá KCN sinh thái theo các mức độ phát triển khác nhau (cao, trung bình, thấp).
Với sự vào cuộc tích cực của Ban Quản lý dự án KCN sinh thái; Ban Quản lý KCN, KKT; các doanh nghiệp hạ tầng KCN, KKT; các chuyên gia và các bên liên quan của Dự án; đặc biệt là sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của các tổ chức quốc tế (UNIDO, SECO) và các địa phương đang triển khai chuyển đổi; bộ chỉ số KCN sinh thái được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định trong nước sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc chuyển đổi các KCN sinh thái tại Việt Nam, góp phần lan tỏa mô hình này trên quy mô cả nước trong tương lai gần.
Ban Quản lý Dự án chụp hình lưu niệm với các đại biểu tại Hội thảo “Tham vấn kết quả nghiên cứu và đề xuất áp dụng bộ chỉ số KCN sinh thái”
Nguồn: https://kinhtevadubao.vn/xay-dung-va-hoan-thien-bo-chi-so-kcn-sinh-thai-tai-viet-nam-23066.html