Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec đánh giá, P4G sẽ là một trong những Diễn đàn truyền cảm hứng cho doanh nghiệp Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Tại Talk Show “Thắp sáng” kinh tế tuần hoàn trong kỷ nguyên mới do Báo Thế giới và Việt Nam thực hiện gần đây, doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã trải lòng về khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền – nơi được lấy cảm hứng từ hai bức thư mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho ông để động viên phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Trong một thập kỷ qua, cùng sự nỗ lực của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái. Là một doanh nghiệp tiên phong như vậy, ông có thể chia sẻ một chút về mô hình mà doanh nghiệp đang thực hiện?
Ban đầu, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền chỉ là một khu công nghiệp tổng hợp. Sau năm 2018, khi Nhà nước ban hành các quy chuẩn, quy định liên quan đến khu công nghiệp sinh thái, chúng tôi bắt đầu xác định được tiêu chí để chuyển đổi từ mô hình khu công nghiệp tổng hợp sang khu công nghiệp sinh thái.
Việc chuyển đổi này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng cho phép thí điểm Deep C và Nam Cầu Kiền trở thành khu công nghiệp sinh thái.
Sau một quá trình triển khai, tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, chúng tôi đã xây dựng được ba hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, đến nay, chúng tôi cũng bắt đầu thực hiện báo cáo ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và từng bước áp dụng các tiêu chuẩn về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp.
Nam Cầu Kiền là kết quả của nhiều năm nỗ lực và quyết tâm của Shinec nhằm tạo dựng nên một mô hình khu công nghiệp sinh thái tiên phong tại Việt Nam.

Trên hành trình xây dựng và phát triển khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, doanh nghiệp gặp những trở ngại gì và cách để Shinec vượt qua những trở ngại đó?
Việc xây dựng một mô hình tiên phong, một mô hình đột phá là điều không hề dễ dàng.
Năm 2018, khi Nghị định 82 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế được ban hành, các luật quan trọng như Luật Môi trường, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch… vẫn chưa được xây dựng.
Do đó, khi áp dụng Nghị định 82, hệ thống luật chưa đủ hoàn chỉnh để điều tiết, khiến cho các thủ tục hành chính liên quan chuyển đổi, thu hút đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.
Thời điểm đó, tư duy về kinh tế tuần hoàn cũng chưa hiện diện trong các bộ luật. Thêm vào đó, mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vẫn là một lĩnh vực mới mẻ.
Trước bối cảnh đó, ngay trong năm 2018, UBND TP. Hải Phòng đã tổ chức một cuộc họp với Hội đồng Nhân dân Thành phố để ban hành nghị quyết tạo điều kiện cho hai khu công nghiệp Nam Cầu Kiền và Deep C thực hiện thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái. Những nghị quyết này tuy mới chỉ là bước khởi đầu, nhưng đã tạo cảm hứng để chúng tôi bắt tay vào làm.
Trong suốt quá trình triển khai, nhờ sự đồng thuận của TP. Hải Phòng, chúng tôi mới có thể xây dựng thành công mô hình tiên phong này.
Từ năm 2020, Luật Bảo vệ Môi trường đã có những thay đổi quan trọng, trong đó, xác định rõ rác thải là tài nguyên và lần đầu tiên đưa khái niệm phát triển kinh tế tuần hoàn vào luật. Tôi cho rằng, Nhà nước và Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc xây dựng luật về kinh tế tuần hoàn.
Song song với đó, các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Môi trường cũng đã được sửa đổi, bổ sung trong năm 2022. Đến nay, Thông tư 05 hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái của Chính phủ đã chính thức ban hành. Theo Thông tư, từ ngày 15/3, các khu công nghiệp có thể đăng ký tiêu chí khu công nghiệp sinh thái theo quy định.
Hiện tại, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng hệ tiêu chí rõ ràng liên quan đến kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu là để mô hình khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam có thể tham gia vào hệ thống khu công nghiệp sinh thái toàn cầu. Đây là một dấu mốc rất quan trọng, khẳng định rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tạo dựng và vận hành những mô hình phát triển bền vững, tham gia sâu vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.

Cá nhân tôi đã có cơ hội mục sở thị khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền. Tôi vô cùng ấn tượng với những biểu tượng văn hóa ở đây như: Vườn kỷ vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay công trình Nhà máy xử lý nước thải xây dựng thành cảnh quan phố Nhật. Thưa ông Phạm Hồng Điệp, ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của việc lồng ghép yếu tố văn hóa tại khu công nghiệp sinh thái và ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn?
Tôi đã tham quan nhiều khu công nghiệp sinh thái tại Nhật Bản, Trung Quốc, Đan Mạch, Hàn Quốc và Singapore. Qua đó, tôi nhận thấy, họ mất rất nhiều thời gian để xây dựng một mô hình khu công nghiệp sinh thái. Dù vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết bài toán này.
(Bài viết trên baoquocte.vn)